
Trong lịch sử hình thành và phát triển chứng khoán, bên cạnh các mặt tốt mà thị trường mang lại cũng có những chiêu trò đánh lừa nhà đầu tư. Những câu chuyện trong quá khứ đã chứng minh đúng quan điểm này. Bong bóng dotcom – một trong những vụ bê bối tài chính lớn nhất toàn cầu luôn là câu chuyện để nói về rủi ro tiềm ẩn của thị trường chứng khoán.
Nội dung bài viết
Bong bóng Dotcom là gì?
Dotcom là từ chỉ các công ty sử dụng internet là nền tảng chính trong hoạt động kinh doanh. Lý do cho tên gọi dotcom xuất phát từ địa chỉ mạng URL mà khách hàng sử dụng để truy cập vào các website bắt nguồn từ phần đuôi (.com) của website các công ty này.
Bong bóng dot-com là một bong bóng thị trường cổ phiếu khi các cổ phiếu của các công ty công nghệ cao, nhất là các công ty mạng, được đầu cơ. Bong bóng này, theo Alan Greenspan – cựu Chủ tịch Fed, sinh ra vào ngày 9 tháng 8 năm 1995 khi mà Netscape Communications bắt đầu niêm yết cổ phiếu của mình và vỡ vào ngày 10 tháng 3 năm 2000 khi chỉ số tổng hợp NASDAQ đạt đỉnh cao nhất.
Bối cảnh
Năm 1993, trình duyệt Mosaic ra đời, cùng với những trình duyệt sau đó như Netscape Navigator hay Internet Explorer đã giúp người dùng máy tính tiếp cận World Wide Web, làm Internet trở nên phổ biến hơn. Số người sử dụng Internet ngày càng tăng và sự phát triển về kết nối, sử dụng Internet cho các mục đích khác nhau.
Giữa năm 1990 và 1997, tỉ lệ hộ gia đình tại Hoa Kỳ sở hữu máy tính tăng từ 15% đến 35%, khi máy tính dần trở thành một vật dụng thiết yếu thay vì một món đồ xa xỉ. Điều này đánh dấu sự chuyển mình sang Thời đại Thông tin, một nền kinh tế dựa trên công nghệ thông tin, dẫn đến sự thành lập nhiều công ty mới. Cùng lúc này, việc giảm lãi suất cho vay làm tăng nguồn vốn có sẵn khiến cho nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán.
FOMO đến từ nhà đầu tư, thị trường chứng khoán tăng trưởng vượt bậc.
Ở thời kỳ đỉnh của bong bóng, một công ty dotcom có thể trở thành một công ty đại chúng qua IPO và huy động một số tiền đáng kể ngay cả khi chưa có lợi nhuận, hoặc trong một số trường hợp không có cả doanh thu thực tế nào. Những người với quyền mua cổ phiếu cho nhân viên lập tức trở thành triệu phú khi công ty thực hiện IPO, tuy nhiên đa số nhân viên bị cấm bán cổ phần ngay lập tức.
Các công ty dotcom mang đến làn sóng mới trong nền kinh tế thế giới cuối những năm 1990. Giá trị của công ty này tăng nhanh hơn bất kì ngành công nghiệp nào khác cùng thời. Mặc dù trên thực tế, hầu hết các công ty internet có rất ít tài sản vật chất, rất nhiều trong số chúng đã được định giá rất cao trên thị trường chứng khoán lúc đầu. Bị hấp dẫn bởi những dự đoán về ngành công nghệ, các nhà đầu tư đã rót một số lượng lớn vốn vào các công ty dotcom mà không có lịch sử lợi nhuận chính xác.
Nhà đầu tư đổ tiền vào các công ty khởi nghiệp Internet với hy vọng họ sẽ có lãi. Nhiều nhà đầu tư và nhà đầu tư mạo hiểm đã từ bỏ cách tiếp cận thận trọng vì sợ không theo kịp thị trường. Họ tin rằng với việc internet ngày càng phổ biến thì các công ty này sẽ phất lên nhanh chóng. Do đó, nếu không nhanh chân thì họ sẽ để lỡ món hời. Hiệu ứng FOMO khiến họ bỏ qua mọi nguyên tắc của bản thân mà không lường trước được hậu quả nhận lại.
Giá trị của thị trường chứng khoán về lĩnh vực công nghệ NASDAQ đã tăng từ 1.000 điểm vào năm 1995 lên đỉnh cao là mức 5.132,52 điểm (và 5.048,62 điểm lúc đóng cửa) vào 10/3/2000. Các công ty tham gia thị trường lần lượt IPO với giá rất cao và đôi khi giá tăng gấp hai chỉ sau ngày ra mắt đầu tiên. Điều này dường như đã cho mọi người suy nghĩ là họ có thể rất dễ dàng kiếm lời và ngày càng tăng vốn đầu tư của bản thân.
Bong bóng đã căng phồng

Các công ty không có được nguồn lợi nhuận ổn định hay thậm chí là một sản phẩm cốt lõi đã vội vàng IPO gia nhập thị trường. Thay vì phát triển giá trị cốt lõi, họ đổ tiền vào các hoạt động động quảng bá. Điều này khiến cho hình ảnh công ty được đánh bóng và họ được lòng tin từ nhà đầu tư. Vì thế, một số công ty mới thành lập đã chi tới 90% ngân sách cho quảng cáo. Sau đó, giá cổ phiếu của họ tăng gấp ba hoặc bốn lần chỉ trong một ngày. Điều này đã tạo ra một cơn sốt lớn cho các nhà đầu tư.
Ngày 10/3/2000, trị giá của thị trường chứng khoán NASDAQ là 6.710 tỷ USD và sự đổ vỡ bắt đầu từ ngày 11/03.
Ngày 20/03, Barron’s, một tổ chức tài chính lớn cho đăng tải một bài báo có tên gọi “Burning Up”, vạch trần tình trạng của dotcom lúc đó. Trong đó viết về 51 trong số 207 công ty Dotcom sẽ sớm hết vốn trong vòng 12 tháng tiếp theo. Gần 3/4 trong số 207 công ty này đang phải chịu lỗ và cũng không có khả năng sinh lời trong những tháng tiếp theo. Hay thậm chí là Amazon chỉ còn đủ tiền mặt để sống sót qua 10 tháng.
Sự sụp đổ các công ty Dotcom dẫn theo cả thị trường tài chính chao đảo làm hoảng loạn các nhà đầu tư. Các đợt bán tháo diễn ra ngày càng mạnh tháo chạy khỏi thất bại nhưng đã muộn. Một hiệu ứng domino lan tỏa, các công ty dotcom lần lượt sụp đổ cùng hàng nghìn tỷ USD vốn đầu tư cũng bốc hơi. Đến tháng 9/2002, chỉ số này tiếp tục sụt giảm còn 1173. Nói cách khác, 73% trị giá của cơn sốt dotcom đã bay hơi.
Lời kết
Đã trải qua hơn 2 thập kỷ từ khi bong bóng Dotcom diễn ra, nhà đầu tư đã rút ra được nhiều bài học cho bản thân? và trang bị kinh nghiệm đối mặt với những biến động sắp tới.

Các công ty tiềm năng phát triển và có lợi nhuận sẽ luôn tồn tại qua mọi cuộc khủng hoảng, điển hình là Amazon đã vượt qua bong bóng Dotcom và trở thành một trong những công ty có giá trị lớn nhất thời điểm hiện tại.
Khủng hoảng, thị trường biến động dữ dội là điều tất yếu của thị trường tài chính, chuẩn bị kiến thức và tư duy đầu tư không bao giờ sai mà còn giúp nhà đầu tư tránh được nhiều tổn thất trong quá trình đầu tư.
Một lớp nhà đầu tư giàu có sẽ được sinh ra trong cơn khủng hoảng, hãy trang bị đầy đủ vũ khí, bạn sẽ là một trong số đó.