Báo cáo tài chính là nguồn cung cấp thông tin quan trọng nhằm giúp nhà đầu tư nắm rõ được doanh thu, lợi nhuận của công ty để đưa ra các quyết định giao dịch mua bán cổ phiếu. Dựa vào đó, những công ty báo lãi, tỷ suất lợi nhuận cao luôn được các nhà đầu tư săn đón và sẽ bán đi nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay gặp vấn đề về tài chính.
Tuy nhiên, không phải báo cáo tài chính nào cũng mô tả đúng 100% về tình hình hiện tại của công ty, dẫn đến những vụ gian lận báo cáo tài chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà đầu tư.
Nội dung bài viết
Gian lận báo cáo tài chính như thế nào?
Gian lận trên báo cáo tài chính là trường hợp các thông tin bị bóp méo, phản ánh không trung thực tình hình tài chính của doanh nghiệp cố ý nhằm lừa gạt người sử dụng thông tin, do một hoặc nhiều cá nhân trong Ban Lãnh Đạo công ty, các nhân viên hoặc bên thứ ba thực hiện.
Gian lận báo cáo tài chính thường biểu hiện dưới dạng như sau:
- Che giấu hoặc cố ý bỏ sót các thông tin, tài liệu hoặc nghiệp vụ kinh tế làm sai lệch báo cáo tài chính.
- Ghi chép các nghiệp vụ không đúng sự thật.
- Cố ý áp dụng sai các chuẩn mực, nguyên tắc, phương pháp và chế độ kế toán, chính sách tài chính.
- Cố ý tính toán sai về mặt số học để làm sai lệch báo cáo tài chính hoặc đem lại lợi ích cá nhân.
Ngoài ra, có các dấu hiệu để để nhà đầu tư nhận biết gian lận trên báo cáo tài chính như:
- Doanh nghiệp có cơ cấu sở hữu phức tạp, sở hữu chéo, thành lập nhiều công ty con (để thực hiện một nhiệm vụ không minh bạch nào đó).
- Lợi nhuận vượt trội trong lĩnh vực hoạt động thông thường, không rõ nét.
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh liên tục âm, được bù đắp bằng dòng tiền từ hoạt động tài chính (tăng vốn).
- Lợi nhuận cao bất thường trước các đợt tăng vốn, lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà đến từ việc bán tài sản, thông qua các hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng ủy thác, giao dịch với các bên liên quan.
- Hay thay đổi người đại diện theo pháp luật, kế toán trưởng.
Gian lận báo cáo tài chính trên thế giới
Là công ty năng lượng có trụ sở tại bang Texas, Enron là công ty lớn thứ 7 tại Mỹ nếu xét theo doanh thu. Bằng cách sử dụng các phương pháp kế toán phức tạp, Enron đã loại bỏ được các khoản nợ hàng trăm triệu USD khỏi sổ sách. Nhà đầu tư đã bị lừa vì tin rằng tình hình tài chính của Enron đang tăng trưởng cao hơn nhiều so với thực tế.
Bên cạnh đó, các công ty vỏ bọc do giám đốc cấp cao của Enron vận hành đã thổi phồng doanh thu gấp nhiều lần, do vậy, Enron đã tạo ra được con số doanh thu và lợi nhuận ấn tượng. Tuy nhiên, khi mạng lưới gian lận phức tạp bị phanh phui, giá cổ phiếu Enron rơi tự do.
Vụ phá sản của Enron cũng kéo theo sự sụp đổ của Arthur Andersen – hãng kiểm toán lớn thứ 5 thế giới lúc bấy giờ khi mà công ty này đã ký báo cáo tài chính của Enron trong suốt nhiều năm. Cũng chính vì sự kiện này mà chúng ta chỉ còn biết tới big4, bốn công ty kiếm toán lớn nhất hiện nay.
Gian lận báo cáo tài chính ở Việt Nam
Nhờ chính sách xoá bỏ nợ lãi vay từ các chủ nợ, cũng như huy động thành công 603,5 tỷ trái phiếu chuyển đổi trong năm 2015, TTF đã phần nào giải quyết được vấn đề vốn lưu động và tập trung vào sản xuất kinh doanh.
Tổng doanh thu đạt 2.735 tỷ đồng, tăng trưởng 88% so với cùng kỳ và hàng tồn kho đạt 2.343 tỷ đồng đã làm cho TTF trở thành một cổ phiếu “hot” trong thời điểm đó thu hút nhà đầu tư và có đà tăng giá mạnh mẽ khi báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 được công bố.
Tuy nhiên, trong thuyết minh giá vốn 6 tháng đầu năm 2016 của TTF đột ngột xuất hiện khoản mục “Hàng tồn kho phát hiện thiếu khi kiểm kê” lên tới 980 tỷ đồng. Con số này được xác định trên cơ sở kết quả kiểm toán của Công ty kiểm toán E&Y 6 tháng đầu năm 2016 tại TTF.
Phát hiện này đã dẫn đến việc Công ty E&Y phải điều chỉnh thẳng vào chi phí giá vốn quý 2/2016 của TTF, đồng thời số dư hàng tồn kho tại ngày 30/06/2016 chỉ còn 1.834 tỷ đồng – giảm 729 tỷ đồng so với đầu quý 2, giảm 510 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản phải thu cũng giảm 264 tỷ đồng.
Chưa hết, số liệu tài chính tại thời điểm cuối năm trước (31/12/2015) bị điều chỉnh hồi tố 1 số khoản mục, trong đó điều chỉnh lớn nhất là các khoản phải thu ngắn hạn với mức giảm 218 tỷ đồng.
Do đó, TTF lỗ gộp tới 807 tỷ đồng và lỗ ròng 1.073 tỷ đồng. Điều này dấy lên nghi vấn rằng những số liệu về các khoản phải thu và hàng tồn kho mà Ban giám đốc của Gỗ Trường Thành lập ra và được công ty DFK kiểm toán tại thời điểm 31/12/2015 “có vấn đề”. Cổ phiếu TTF đã giảm sàn 13 phiên liên tiếp.
Thị trường chứng khoán không minh bạch?
Các vụ gian lận báo cáo tài chính không phải là điều gì mới mẻ, quy mô càng ngày càng lớn theo thời gian ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả đầu tư ngay cả thị trường tài chính lớn nhất thế giới như thị trường chứng khoán Mỹ.
Trong lịch sử toàn cầu, nhiều vụ gian lận đã được phanh phui nhưng hàng năm lại có thêm nhiều vụ bê bối khác. Do hệ thống chuẩn mực kế toán chưa đầy đủ các tình huống trên thị trường hay các công ty kiểm toán không đủ năng lực và yếu kém để bị lợi dụng cho hành vi gian lận báo cáo tài chính.
Từ thực tế các vụ gian lận báo cáo tài chính trên thế giới và Việt Nam, nhà đầu tư không nên quá bi quan, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, đem lại giá trị cho xã hội và phát triển đều đặn, bền vững qua nhiều năm. Bên cạnh đó, nhà nước cũng đang có nhiều biện pháp mạnh tay giúp làm trong sạch thị trường, sớm nâng hạng thị trường chứng khoán.
Công việc của nhà đầu tư là cần nâng cao trình độ để có thể tự bản thân phân tích và nhận diện được các gian lận trên báo cáo tài chính trước khi đưa ra quyết định. Hãy lựa chọn các công ty uy tín có thương hiệu trên thị trường đồng thời công ty được kiểm toán bởi công ty kiểm toán hàng đầu sẽ đảm bảo tối thiểu các rủi ro gian lận báo cáo tài chính.